Tại huyện Bình Chánh, ông Lý Khánh Hoàng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày Juno cho biết vừa tuyển dụng 50 công nhân làm ở các bộ phận thủ công với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng nhằm bù đắp lao động nghỉ việc và doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất. Theo ông Lý Khánh Hoàng, việc tuyển dụng người lao động mới là thường xuyên. Tuy nhiên, phần lớn Công ty tuyển lao động phổ thông, có sức khỏe, trong độ tuổi lao động, có tay nghề sơ cấp sẽ được đào tạo và ưu tiên người gắn bó lâu dài. Lao động ở các vị trí kỹ thuật, văn phòng… thường ổn định, ít khi thay đổi.

Nhu cầu lao động trong tương lai

Trên thế giới, mùa xuân năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh chưa từng thấy về số lượng việc làm. Sau đó, hầu hết các nền kinh tế đều phục hồi mạnh mẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công chưa từng thấy trong lịch sử. Kết quả là lương tăng vọt, cung ứng lao động thiếu hụt và số lượng việc cần người không giảm đi. Đó là những nét khắc họa thị trường lao động trong giai đoạn 2022-2023.

Tại Việt Nam, tình hình lao động việc làm giai đoạn này cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Không chỉ vậy, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã làm cho thị trường lao động năm 2022 khởi sắc hơn. Ngay cả khi bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, khó khăn trong nửa đầu năm 2023, số lượng lao động có việc làm tăng 902.000 người so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,12 điểm phần trăm.

HSBC dự báo hầu hết các thị trường lao động khắp thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong năm 2023-2024. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, trong năm năm tới, 83 triệu việc làm có thể mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, đồng thời, 69 triệu việc làm mới được tạo ra. Điều đó đồng nghĩa với 2% sụt giảm trên thị trường lao động, tương đương với 14 triệu việc làm.

Những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai bao gồm chuyên viên về AI và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính… Những công việc được dự báo sẽ dễ bị thay thế nhất bao gồm nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký…

Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này khá đa dạng. Đáng chú ý nhất có lẽ phải kể đến xu hướng dịch chuyển kinh doanh theo hướng xanh hơn, bền vững hơn được dự báo sẽ khiến các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều vị trí mới. Xu hướng các chuỗi cung ứng được sắp xếp, phân bổ lại cũng góp phần tạo thêm việc làm trong những năm tới đây.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp giảm số lượng nhân công trong tương lai. Chúng ta có thể quan sát diễn biến của xu hướng này ngay tại Việt Nam trong Quý 2/2023. Trực trạng đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Số lao động ở các ngành này trong đều giảm so với quý trước lần lượt là 142.500 người, 16.900 người và 30.200 người. Du lịch phục hồi kéo theo sự phục hồi trong các ngành dịch vụ, đồng thời, cơ cấu lao động cũng chứng kiến sự chuyển dịch mạnh từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,7% và tăng 349.000 người so với quý trước.

Bà TRẦN THỊ NGUYỆT OANH, Giám đốc Nhân sự, HSBC Việt Nam

Sự quan tâm dành cho AI tăng vọt trong năm 2023 là dấu hiệu cho thấy các tiến bộ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới. Điển hình nhất phải kể đến xu hướng tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến các công việc tay chân, robot được dự báo sẽ thay thế công nhân trong nhà máy, kho bãi, dây chuyền sản xuất hoặc nhân viên chạy bàn.

Xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do những thay đổi trong đại dịch như quy trình tự động hóa rẻ hơn, phổ biến hơn, giảm giao tiếp trực tiếp giữa người với người… Xu hướng tự động hóa có thể là yếu tố cản trở tiến trình lạm phát lương, khi mức lương chạm đến một ngưỡng nhất định và chi phí cho quy trình tự động lại rẻ hơn thì doanh nghiệp đương nhiên chọn giải pháp tự động hóa. Qua đó có thể thấy tiến bộ công nghệ sẽ tác động đến sự cân bằng cung-cầu lao động.

Nhiều người thường nhìn tiến bộ công nghệ dưới lăng kính "máy móc thay thế con người" và khiến chúng ta mất việc. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, công nghệ cũng tạo ra công việc mới. Nhiều công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

Câu hỏi lúc này đặt ra là liệu doanh nghiệp tuyển được người với kỹ năng phù hợp để đáp ứng các nhu cầu mới này hay không. Để giải đáp câu hỏi này, ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã có chương trình đào tạo, phát triển người lao động để đón đầu xu thế. Chẳng hạn như tại HSBC, chúng tôi đã triển khai chương trình đào tạo Future Skills cung cấp các kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai, Sustainability Academy cung cấp kiến thức cần thiết cho các công việc liên quan đến bền vững…

Năm 2022, nhân viên HSBC Việt Nam đã hoàn thành 1.841 hạng mục đào tạo liên quan đến bền vững, chiếm 9,6% tổng các hạng mục đào tạo đã hoàn thành trong năm của toàn ngân hàng. Đặc biệt, chương trình đào tạo Climate Pact chuyên về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đã thu hút sự tham gia của cả lãnh đạo lẫn nhân viên, ngay cả Tổng Giám đốc hay bản thân tôi cũng tham gia.

Hướng tới các thị trường xuất khẩu lao động bền vững

Trong năm 2022, bên cạnh các thị trường truyền thống gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc..., Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức, Nga, Australia (chương trình visa nông nghiệp), Israel và một số thị trường châu Âu khác. Hiện, các DN đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký.

Mới đấy nhất, Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại (Australia) đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia

Australia là nước tiếp nhận lao động nước ngoài với mức lương tốt, hệ thống pháp luật rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhưng yêu cầu về trình độ tay nghề, ngoại ngữ khắt khe. Việc đưa lao động đi làm việc tại Australia với các hình thức, ngành nghề khác nhau (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp) là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động.

Bản ghi nhớ nói trên là văn bản đầu tiên mà Australia ký với các nước đưa lao động đi làm việc tại nước này theo chương trình thị thực nông nghiệp.

Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lựa chọn Việt Nam trở thành nước ưu tiên tham gia sớm chương trình. Dự kiến, Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Cùng với các thị trường mới, các thị trường truyền thống cũng được chú trọng. Đầu năm 2022, Việt Nam và Malaysia cũng ký kết Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động. Bản ghi nhớ này là sự tiếp nối của bản ghi nhớ lần đầu tiên về tuyển dụng lao động Việt Nam được chính phủ 2 nước ký vào tháng 12/2003. Từ đó đến nay, có khoảng hơn 100.000 lượt người lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Malaysia.

Song với việc tìm kiếm các thị trường mới, bền vững cho người lao động, Bộ LĐTB&XH cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Gia Liêm cho biết, việc đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, những năm gần đây, việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt. Hình ảnh người lao động Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại.